7 món đồ “cứu cánh” sinh viên lần đầu du học Úc (phần 2)
Úc và Việt Nam có sự khác biệt rõ rệt về khí hậu và thời tiết. Vì thế, sinh viên lần đầu du học cần tìm hiểu và chuẩn bị kỹ càng những vật dụng quan trọng để dễ dàng thích nghi khi đến Úc. Nối tiếp những chia sẻ của phần 1, dưới đây là 4 món đồ cần thiết nếu bạn lần đầu trở thành sinh viên du học tại “xứ sở kangaroo”.
Ổ cắm dẹt
Mặc dù sử dụng cùng mức điện áp 220 – 240 Vôn với Việt Nam, tuy nhiên, các ổ cắm tại Úc lại là chân cắm dẹt và có 3 chấu. Vì thế, sinh viên lần đầu du học Úc cần trang bị thêm các ổ đổi điện (đổi từ chân cắm thẳng sang chân cắm dẹt chéo) để có thể xài các đồ điện tử cá nhân như sạc pin laptop, điện thoại.
Bên cạnh đó, số lượng ổ điện tại Úc thường khá ít so với Việt Nam. Vì vậy, bạn có thể cân nhắc mua thêm các ổ cắm tổng hợp để tiện hơn trong việc sạc nhiều thiết bị cùng một lúc. Các loại ổ cắm trên có giá từ 15,000 VNĐ nếu mua tại khu chợ điện tử Việt Nam, hoặc lên đến 180,000 VNĐ nếu mua tại các sàn thương mại điện tử Úc như JB Hi-Fi hay Mad fo chick.
Quần áo giữ nhiệt
Mùa đông tại Úc thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8, với nhiệt độ dao động từ 9-17 độ. Vì thế, các bạn du học sinh Việt Nam sẽ rất dễ rơi vào trạng thái sốc nhiệt khi nhập học kỳ tháng 7 nếu không trang bị các vật dụng giữ ấm đầy đủ.
Quần áo giữ nhiệt (heattech) là một trong những ưu tiên chọn mua hàng đầu của nhiều sinh viên lần đầu du học Úc. Một số quần áo giữ nhiệt đơn giản bạn có thể mua trước tại Việt Nam như áo phao, áo len, áo choàng bên ngoài, mũ len, ủng, dép lông,…
Đặc biệt, bạn nên mua heattech để mặc giữ ấm bên trong. Công nghệ heattech hoạt động theo cơ chế chuyển hơi nước từ cơ thể bạn và chuyển thành nhiệt. Với chất liệu không quá dày, heattech sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn trong mùa đông ở Úc.
Nguyễn Khánh Vân, sinh viên Global Pathways đã chuyển tiếp, cũng khuyên các bạn du học sinh nên mua áo giữ nhiệt vì áo thường mỏng nhẹ, có khả năng giữ ấm cao, giặt cũng rất nhanh khô và không cần dùng máy sấy. Tuy nhiên, bạn cũng không cần phải mua quá nhiều vì tại Úc thường có các đợt giảm giá quần áo mùa đông tại nhiều siêu thị hay các trung tâm thương mại.
Chăn điện
Bên cạnh quần áo giữ nhiệt, lò sưởi, chăn điện là món đồ quan trọng đã “cứu cánh” nhiều sinh viên lần đầu du học vượt qua mùa đông nước Úc.
Chăn điện làm ấm bằng năng lượng điện, có hình dáng tương tự những chiếc chăn thường gặp tại các gia đình Việt. Vỏ chăn thường được làm từ các loại vải mềm mại, không gây kích ứng da như nhung, cotton, polyester,… Bạn có thể bắt gặp hai loại chăn điện phổ biến gồm loại trải trên mặt nệm (dùng để lót lưng) và loại đắp/quấn quanh người. Cả hai loại này đều có các mức điều chỉnh độ nóng khác nhau. So với lò sưởi, chăn điện không làm người dùng bị khô da, giữ ấm tốt hơn và tiết kiệm điện hơn.
Sinh viên lần đầu du học Úc có thể dễ dàng tìm mua chăn điện tại các chuỗi siêu thị lớn như Target, Kmart, bigW,…với giá chỉ từ 30 AUD (khoảng 480,000 VNĐ). Một hạn chế nhỏ của chăn điện là phần cơ thể không tiếp xúc trực tiếp với chăn như mặt thường sẽ bị lạnh và khô hơn. Tuy vậy, không thể phủ nhận những lợi ích mà chăn điện mang lại cho sinh viên lần đầu du học trong suốt mùa đông khá khắc nghiệt tại Úc.
Mẫn Nghi – sinh viên năm 3 Macquarie Global Pathways cũng chia sẻ:
“Bạn nào có điều kiện thì nên đầu tư dùng thử cái này. Chăn điện này còn phù hợp với một số bạn có chủ nhà khó tính, hạn chế bạn dùng lò sưởi, hoặc những bạn không muốn dùng than sưởi vì quá khô da.”
Túi chườm
Túi chườm sẽ là món đồ có ích tiếp theo giúp bạn giữ ấm trong mùa đông tại Úc.
Có hai loại túi chườm được sinh viên lần đầu du học sử dụng phổ biến hiện nay là loại truyền thống (đổ nước nóng vào túi) và loại sạc (đã có sẵn chất lỏng bên trong nên không cần đổ thêm nước). Ưu điểm của túi chườm là nhỏ, gọn và phù hợp với túi tiền của du học sinh, chỉ từ 5-40 AUD tuỳ loại (khoảng 122,000 – 980,000 VNĐ).
Túi chườm là món đồ giữ ấm khá tiện lợi và dễ mang đi khi du học Úc
Ngoài ra, túi chườm còn hỗ trợ giảm đau nhức một số vùng trên cơ thể khi trời lạnh. Tại các cửa hàng bán túi như Chemist Warehouse, bạn có thể mua thêm dây đai đeo cố định để tiện cho việc mang theo khi ra ngoài.
Một lưu ý nhỏ khi sử dụng là bạn cần cẩn thận, tránh để chất lỏng chảy ra ngoài túi gây bỏng. Túi chườm chỉ làm nóng được trong khoảng thời gian nhất định (từ 4-5 tiếng nếu phủ trong chăn) và cần châm nước hoặc làm nóng lại sau đó.
Tổng kết cho sinh viên lần đầu du học Úc
Một số cửa hàng lớn được du học sinh đề xuất có thể kể đến như BigW, Reject shop, Bunnings, Kmart, Target, Officeworks, Mitre10, The Good Guys, Harris Scarfe, Chemist Warehouse,…Tất cả thương hiệu trên đều có trang web riêng, giúp bạn tra cứu vị trí cửa hàng gần nhất để mua sắm.
Với lựa chọn tiết kiệm hơn, bạn có thể mua hàng second hand từ các cửa hàng sang tay hoặc từ sinh viên sắp về nước. Một số địa chỉ đáng tin cậy như Salvation Army (Salvos), Gumtree, Ebay,…là nơi sinh viên lần đầu du học thường hay lựa chọn để mua sắm các vật dụng cần thiết.
Với những đề xuất trên, KFO mong rằng có thể giúp những bạn lần đầu du học Úc có một hành trình du học thuận lợi hơn. Các bạn có thể xem lại phần 1 hoặc đọc thêm các bài viết của KFO để “bỏ túi” thêm nhiều bí kíp du học hay ho khác.