4 trắc nghiệm hướng nghiệp (Phần 1): Giải mã trắc nghiệm MBTI

09.06.2023 8 phút đọc

Trắc nghiệm MBTI có thể được xem là “người anh cả” trong những bài kiểm tra tính cách và định hướng nghề nghiệp nhờ sự phổ biến của nó. Cụ thể, trắc nghiệm MBTI sẽ cho các bạn biết những gì và mức độ tin cậy ra sao? Bài viết này sẽ giúp bạn tìm ra đáp án.

Trắc nghiệm MBTI là gì?

Hiện nay, không hiếm khi nhìn thấy những chiếc meme, bài phân tích về 16 tính cách MBTI. Thậm chí, nhiều các bạn trẻ làm quen với nhau bằng cách hỏi MBTI của đối phương là gì. Có thể thấy, MBTI là một điều gì đó đặc biệt thú vị và có một sự ảnh hưởng không nhỏ đến thế hệ GenZ. Vậy cụ thể trắc nghiệm MBTI là gì?

Trắc nghiệm MBTI rất phổ biến trong giới trẻ
Trắc nghiệm MBTI rất phổ biến trong giới trẻ với nhiều thông tin phân tích và meme thú vị trên mạng xã hội.

Trắc nghiệm MBTI có tên gọi đầy đủ là Myers-Briggs Type Indicator. Người tham gia kiểm tra tính cách sẽ được hỏi nhiều câu trắc nghiệm liên quan đến các vấn đề và tình huống ứng xử cơ bản trong cuộc sống. Trắc nghiệm MBTI sẽ dựa vào câu trả lời của người tham gia để phân loại họ vào 1 trong 16 nhóm tính cách.

MBTI được Katherine Brook Briggs và con gái bà là Isabel Briggs Myers phát triển dựa trên những nghiên cứu của nhà tâm lý học người Thuỵ Sỹ – Carl Jung. Mỗi tính cách được đánh giá và phân loại theo các tiêu chí:

  • Xu hướng yêu thích: Bạn thích tập trung vào thế giới bên ngoài hay thế giới bên trong của chính mình? Tiêu chí này phân thành Hướng ngoại (Extrovert – E) và Hướng nội (Introvert – I).
  • Cách tiếp nhận thông tin: Bạn thích tập trung vào thông tin cơ bản mà bạn tiếp nhận hay bạn thích diễn giải và thêm thắt ý nghĩa? Tiêu chí này phân thành
  • Cảm giác (Sensing – S) và Trực giác (Intuition – N).
  • Cách đưa ra quyết định: Bạn thích nhìn vào logic hay cân nhắc khía cạnh con người và hoàn cảnh trước tiên? Tiêu chí này phân thành Lý trí (Thinking – T) và Tình cảm (Feeling – F).
  • Cách thức hành động: Bạn thích mọi thứ được sắp xếp theo nguyên tắc hay linh hoạt thay đổi? Tiêu chí này phân thành Nguyên tắc (Judging – J) và Linh hoạt (Perceiving – P).

Kết quả MBTI không chỉ bao gồm những mô tả về ưu – khuyết điểm trong một kiểu tính tách mà còn phân tích các mối quan hệ xã hội và đặc biệt là định hướng nghề nghiệp, thói quen trong công việc của từng nhóm người. Vì vậy, MBTI thường được gợi ý nếu các bạn tìm kiếm các trắc nghiệm tính cách nghề nghiệp trên mạng.

4 tiêu chí phân loại các kiểu tính cách MBTI

Cặp Hướng ngoại (Extrovert – E) và Hướng nội (Introvert – I)

Cặp Hướng ngoại (Extrovert - E) và Hướng nội (Introvert - I)
Bạn là người Hướng ngoại (E) hay Hướng nội (I) – yếu tố phân loại đầu tiên trong trắc nghiệm MBTI.

Nạp năng lượng từ việc tham gia vào các sự kiện, thích đi du học và tham gia nhiều hoạt động khác nhau, hào hứng khi ở gần mọi người và muốn truyền năng lượng cho người khác, là một số nét tính cách nổi bật của người hướng ngoại. Nếu là người hướng ngoại, thì kiểu tính cách MBTI của bạn sẽ bắt đầu bằng ký tự E.

Ngược lại, người hướng nội thích xử lý các ý tưởng, hình ảnh và ký ức trong thế giới nội tâm. Họ thường thích làm mọi việc một mình hoặc với một hoặc hai người quen thuộc. Họ cũng dành thời gian suy ngẫm rõ ràng trước khi quyết định hành động. Nhóm người hướng nội trong MBTI có chữ cái đầu tiên là I.

Song, hướng nội hay hướng ngoại là xu hướng. Mỗi người sẽ có khoảng thời gian thích hướng ngoại hơn, cũng sẽ có lúc thích quay vào trong nhiều hơn. Không nên đánh giá một người là hướng nội vì họ nhút nhát và một người là hướng ngoại vì họ có khả năng giao tiếp tốt trong đám đông.

Cặp Cảm giác (Sensing – S) và Trực giác (Intuition – N)

Người thiên về cảm giác (sensing) theo trắc nghiệm MBTI thường chú ý đến khía cạnh vật lý của sự vật hiện tượng, ví dụ như ngoại hình hay hương vị. Họ sống thực tế vào quan tâm đến tính thực tiễn của mọi vật, làm sao để ứng dụng kiến thức vào cuộc sống. Sự thật và chi tiết với họ rất quan trọng. Người thiên về cảm giác sẽ có chữ cái thứ 2 trong MBTI là S.

Yếu tố thứ hai trong phân loại tính cách MBTI là cặp Cảm giác (S) và Trực giác (N).
Yếu tố thứ hai trong phân loại tính cách MBTI là cặp Cảm giác (S) và Trực giác (N).

Trong khi đó, người thiên hướng trực giác quan tâm đến ấn tượng hoặc ý nghĩa của một sự vật, hiện tượng. Họ thích làm việc với các biểu tượng hoặc lý thuyết trừu tượng, ngay cả khi chưa biết sẽ sử dụng chúng như thế nào. Thay vì chi tiết, họ sẽ nhớ về một sự việc qua ấn tượng nó để lại trong họ. Người thiên về trực giác sẽ có chữ cái thứ 2 trong MBTI là N.

Cặp Lý trí (Thinking – T) và Tình cảm (Feeling – F)

Lý trí hay tình cảm là khái niệm để chỉ cách một người đưa ra quyết định. Người lý trí thích các quy trình. Họ sẽ phân tích ưu và nhược điểm, quyết định một cách logic. Họ cũng thích giải quyết công việc một cách chí công vô tư, tránh để ảnh hưởng bởi cảm xúc cá nhân hay người khác.

Một người sẽ đưa ra quyết định dựa trên Lý trí (T) hay Tình cảm (F)?
Một người sẽ đưa ra quyết định dựa trên Lý trí (T) hay Tình cảm (F)?

Ở chiều hướng đối nghịch, người tình cảm đưa ra quyết định tốt nhất bằng cách cân nhắc những gì mọi người quan tâm và quan điểm của họ một tình huống. Họ thường đảm bảo quyết định của mình sẽ mang đến giá trị và những gì tốt nhất cho mọi người xung quanh.

Xét tiêu chí cách thức đưa ra quyết định trong trắc nghiệm MBTI thì chữ cái thứ ba trong nhóm tính cách của bạn sẽ là T hoặc F.

Cặp Nguyên tắc (Judging – J) và Linh hoạt (Perceiving – P)

Tiêu chí cuối cùng được đánh giá trong trắc nghiệm MBTI là cách thức hành động. Người nguyên tắc dường như thích lối sống có kế hoạch, muốn mọi thứ được sắp xếp và tổ chức, cảm thấy thoải mái hơn khi đưa ra quyết định và muốn kiểm soát cuộc sống càng nhiều càng tốt.

Trắc nghiệm MBTI cũng xét đến cách thức hành động dựa trên Nguyên tắc (J) hay sự Linh hoạt (P).
Trắc nghiệm MBTI cũng xét đến cách thức hành động dựa trên Nguyên tắc (J) hay sự Linh hoạt (P).

Ngược lại, người linh hoạt thích lối sống tự do, không máy móc. Họ hiểu và thích nghi nhanh với điều kiện bên ngoài, thay vì đứng ra sắp xếp và tổ chức nó. Người linh hoạt còn khá cởi mở với những trải nghiệm mới và không ngại khi phát sinh những thay đổi.

Chữ cái cuối cùng của kiểu tính cách MBTI sẽ là J hoặc P.

Trắc nghiệm MBTI có đáng tin cậy không?

Sự thật là không bài trắc nghiệm tính cách nào cho ra kết quả chính xác 100%. Trắc nghiệm MBTI cũng vậy. Mỗi người trong chúng ta đều có thể sở hữu cả hai xu hướng trong một tiêu chí (ví dụ như hướng nội và hướng ngoại) và trong mỗi giai đoạn sẽ thể hiện một xu hướng mạnh hơn. Vì vậy, nhiều người có các kết quả MBTI khác nhau trong hai lần thực hiện.

Ngoài ra, trong định hướng nghề nghiệp, trắc nghiệm MBTI không cho thấy được khả năng của một ứng viên. Để đưa ra quyết định tuyển dụng, bên cạnh tính cách thì các công ty, doanh nghiệp còn chú ý đến kiến thức, trải nghiệm, động lực và thái độ – những biến số mà các trắc nghiệm nghề nghiệp chưa thể bao quát.

MBTI cũng bị chỉ trí về việc được phát triển trên những học thuyết chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, thiếu căn cứ. Không có bằng chứng nào cho thấy một người thành công khi lựa chọn nghề nghiệp dựa trên trắc nghiệm MBTI. Hơn nữa, các nghiên cứu cũng không chỉ ra được kiểu tính cách MBTI nào chiếm ưu thế trong bất kỳ ngành nghề cụ thể nào.

Tổng kết

Dù còn nhiều câu hỏi xoay quanh sự đáng tin cậy, sức lan tỏa của trắc nghiệm MBTI là không thể chối bỏ. Bài kiểm tra tính cách này vẫn là một công cụ thú vị để bạn tìm hiểu bản thân và tham khảo những định hướng nghề nghiệp phù hợp để phát triển trong tương lai.

Cùng chủ đề