ThS. Lê Quang Tuệ bước khỏi ‘vùng an toàn’ để đi du học

07.02.2023 6 phút đọc

ThS. Lê Quang Tuệ – Đại học Adelaide cho biết trải nghiệm vừa học, vừa làm của một du học sinh khiến anh có sự thay đổi mạnh mẽ về quan điểm sống.

Du học là bước đầu bức phá rời khỏi sự bảo bọc của cha mẹ

Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, Lê Quang Tuệ (sinh 1995) trở thành chuyên viên phân tích thị trường tại Nielsen và giành được học bổng bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ chuyên ngành “Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp” (Innovation and Entrepreneurship) tại Đại học Adelaide. Hiện, anh tiếp tục sự nghiệp học tập và tham gia hỗ trợ giảng dạy các bộ môn “Tư duy và nền tảng khởi nghiệp”, “Đổi mới và sáng tạo” tại Viện Kinh doanh Đại học Adelaide.

Tại tập hai của chuỗi “Shine with Australia”, vị thạc sĩ chia sẻ về chặng đường thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân để dần có được thành công. Anh tự đánh giá trước khi đi du học là một người hoài nghi, vị kỷ và an toàn. Lúc đó, anh có hình dung một số mục tiêu để phấn đấu nhưng chưa đủ tự tin, quyết liệt để thực hiện. “Đôi khi, hành vi tôi chưa đến giới hạn của bản thân”, anh nói thêm.

Khoảng thời gian 2,5 năm học tập tại Australia đã giúp anh hiểu bản thân, biết yêu thương mọi người và quyết liệt, dám nghĩ dám làm hơn. ThS. Lê Quang Tuệ kể lại, anh dự định đi du học từ rất sớm do yêu thích trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài từ nhỏ và có sự định hướng từ cha mẹ. Thế nhưng, sự ổn định từ việc tốt nghiệp trường đại học top đầu tại Việt Nam, công việc tại công ty lớn đã khiến anh vô tình bước vào vùng an toàn và để nó lớn dần.

“Khi có được những thành tựu như vậy, vùng an toàn càng lớn, tôi càng không muốn thoát ra khỏi đó”, thạc sĩ sinh năm 1995 nói thêm.

Sau khoảng ba năm, anh bắt đầu trăn trở, suy nghĩ về thời gian đã qua, con đường đang đi và những điều bản thân muốn thấy trong 3-4 năm tới. Từ đó, anh nhận thức được tiềm năng của mình đang bị vùng an toàn níu giữ. Quyết định đi du học là bước đầu trong quá trình bứt phá trong hành trình thoát khỏi sự trì hoãn và vòng tay của cha mẹ.

Cựu du học sinh Lê Quang Tuệ và quyết định bước khỏi vùng an toàn để đi du học
ThS. Lê Quang Tuệ – chuyên viên phân tích thị trường, người đạt học bổng Tiến sĩ từ Đại học Adelaide.

ThS. Lê Quang Tuệ và “bước ngoặt” thay đổi trong nhận thức

Từ một chàng “công tử” sinh ra và lớn lên tại TP HCM, Quang Tuệ tủi thân trước cái lạnh của Australia, khi một mình trở về nhà sau ngày học dài. Tuy nhiên, hình ảnh một người bạn Trung Quốc tay đeo hai bao nilon chạy xe điện để giao đồ ăn đã tạo nên “bước ngoặt” trong nhận thức của anh.

Anh bắt đầu trải nghiệm với những công việc chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ làm. Với công việc phụ bếp tại một nhà hàng Việt Nam, lần đầu tiên, anh rửa hàng trăm chiếc bát, phồng rộp tay sau mỗi ngày đi làm về bởi cầm đồ nóng. Anh từng tự chất vấn chính mình tại sao lại lựa chọn khó khăn. Tuy nhiên, anh chưa từng coi đây là sự xấu hổ, sẵn sàng trả lời bạn bè việc mình đầu tóc lấm lem là do đi làm thêm.

“Tôi không coi mình là nạn nhân. Đây là chọn lựa của tôi và tôi phải chịu trách nhiệm với nó. Những trải nghiệm nhỏ này đã góp phần hình thành, thay đổi thế giới quan và giá trị trong hệ tư tưởng của tôi cho đến nay”, anh nhấn mạnh.

ThS. Lê Quang Tuệ nhận định, tư tưởng và cách thức giáo dục tại Australia đã góp phần tạo nên con người anh hiện tại. Một trong những điều anh tâm đắc nhất là tính thách thức khuôn mẫu. Ở trường đại học, sinh viên luôn được động viên là không có quan điểm nào đúng hay sai hoàn toàn. Điều này dựa vào bối cảnh nhất định. “Khi đưa ra quan điểm, sinh viên phải đào sâu tìm hiểu, thu thập thông tin, nghiên cứu sâu hơn rộng hơn để củng cố và chứng minh nhận định của mình, anh nói thêm.

Bên cạnh đó, trường đại học tại Australia khuyến khích và trao quyền cho sinh viên. Sinh viên là người nắm quyền việc học của mình. Nhà trường và giáo sư sẽ tạo điều kiện để chính người học tìm ra cách thức sáng tạo nhất để học tập, nghiên cứu hiệu quả hơn.

Sự cân bằng giữa nền tảng nghiên cứu khoa học và thực hành cũng là một trong những yếu tố anh yêu thích ở nền giáo dục Australia. Tại Đại học Adelaide, những điều thực tiễn luôn được xây dựng trên nền tảng nghiên cứu khoa học để đảm bảo tính đúng đắn, khoa học. Đồng thời, sinh viên được tạo điều kiện để tham gia các cuộc thi như Australian Echallenge với hoạt động biến ý tưởng thành dự án gọi vốn, đưa sản phẩm ra thị trường. “Như vậy, phương pháp giáo dục này không chỉ cho tôi học lý thuyết mà mà còn được mang kiến thức vào môi trường thực tế”, ông nói thêm.

Từ đó, ThS. Lê Quang Tuệ khuyên các bạn trẻ, những ai có ý định đi du học, nên bắt đầu hành động ngay để bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, ví dụ như có thể bắt đầu từ những việc nhỏ như tìm hiểu thông tin, học ngoại ngữ, sống tự lập… Như vậy, các bạn sẽ không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào.

“Đứng trước quyết định lớn của cuộc đời, chúng ta đều có sự hoài nghi. Tuy nhiên, nếu chúng ta quyết tâm làm, nó trở thành quyết định đúng đắn, mọi sự tốt đẹp sẽ đến”, anh khẳng định.

Nguồn: vnexpress.net

Cùng chủ đề