GS.TS Lữ Nhật Vinh thành danh với 2.000 USD đi vay

06.02.2023 7 phút đọc

Xuất thân nghèo khó, GS.TS Lữ Nhật Vinh – Đại học Quốc gia Australia từng vay 2.000 USD và làm nhiều công việc để trang trải chi phí học tập tại Australia.

Chia sẻ tại tập số hai trong chuỗi tọa đàm “Shine with Australia”, GS.TS Lữ Nhật Vinh cho biết, sinh ra và lớn lên ở nông thôn, ông từng trải qua nhiều công việc lao động phổ thông, từ rửa bát đến xếp đồ trong siêu thị, để có thể trở thành giáo sư của một trường đại học danh tiếng ở Australia như hiện tại.

Ông quan niệm: “Cuộc đời có rất nhiều chương để trải nghiệm những điều mới”. Do đó, ngay từ khi còn nhỏ, ông luôn khát khao được đi nước ngoài để mở rộng kiến thức, tìm kiếm tương lai của riêng mình. Giáo sư Nhật Vinh xa nhà từ năm học lớp 4 và có thể học tốt, tự lo cho bản thân và em khi bước vào lớp 12.

Tính tự lập, trọng trách của một người anh cả đã giúp ông rất nhiều trong quá trình đi du học. Đồng thời, cuộc sống và nền giáo dục tại Australia góp phần tạo nên con người ông hiện tại, sống nhiệt huyết và cầu tiến nhưng cân bằng hơn.

GS.TS Lữ Nhật Vinh thành danh với 2000 USD đi vay
GS.TS Lữ Nhật Vinh – Phó khoa Kinh doanh và Kinh tế, Đại học Quốc gia Australia.

GS.TS Lữ Nhật Vinh kể lại, ông học Đại học Ngoại Thương tại Việt Nam và giành học bổng 100% học phí từ Đại học Adelaide (Australia). Thời điểm đó gia đình ông rất khó khăn để có thể đi du học. Với một chàng thanh niên sinh trưởng trong một nhà nghèo ở một huyện vùng sâu ở Bến Tre, lên thành phố học hành đã là một mối lo, do đó, việc ra nước ngoài học tập lại càng khó khăn hơn. Cha mẹ ông đã vay giúp 2.000 đôla trước lời hứa tự lo cho bản thân của con trai. Với số tiền đó, ông tới Australia và sống cùng chị họ trong một căn hộ cho thuê.

Tại Australia, ông được một đồng môn người Việt giới thiệu công việc tại nhà hàng. “Tôi không thể nhớ mình đã cắt bao nhiêu kg hành tây, rửa bao nhiêu bát, đũa, đã làm việc trong vườn nho thời tiết nóng khủng khiếp hay thức lúc 4h sáng để làm trong siêu thị thế nào”, GS.TS Lữ Nhật Vinh chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Vinh chia sẻ mình biết ơn khoảng thời gian đó vì bản thân đã không ngại khó, ngại khổ và chăm chỉ làm việc bằng chính công sức của mình. Nhờ đó, ông có nền tảng để theo đuổi sự nghiệp và xây dựng tính cách mạnh mẽ như hiện tại.

Theo ông Lữ Nhật Vinh, quãng thời gian học tại Australia có hai cột mốc quan trọng. Thời điểm diễn ra Olympic Sydney năm 2000, Nhật Vinh có cơ hội làm trợ lý cho một giáo sư chuyên ngành marketing trong nghiên cứu sự thành công của Thế vận hội, đứng trong trung tâm mua sắm để mời người dùng làm khảo sát. Từ đó, ông bắt đầu tò mò tự hỏi: nghiên cứu là gì, tại sao phải nghiên cứu, ai được hưởng lợi…

Sau khi hoàn thành chương trình cử nhân, ông tiếp tục được mời viết luận án cho chương trình cử nhân danh dự. Yêu cầu của trường cho chương trình này là sinh viên phải thu thập kinh nghiệm bằng cách làm trợ giảng trong khoa. Khoảnh khắc này khiến ông cảm thấy thiêng liêng, song cũng đầy thử thách vì các bạn học viên rất giỏi. “Tôi lớn lên trong gia đình làm nhà giáo. Do đó, tôi nghĩ mong muốn trở thành nhà giáo đã có từ lâu nhưng đến khi học năm 4, tôi mới nhận ra”, GS.TS Lữ Nhật Vinh nói thêm.

Tuy nhiên, thời điểm ông bày tỏ ý định trở thành giảng viên, giáo sư đã khuyên ông nên tiếp tục ra ngoài, trải nghiệm, thu thập thêm kinh nghiệm. Nếu vẫn sẵn sàng học tiến sĩ, làm nghiên cứu, giảng viên đại học, ông có thể quay lại, trường luôn sẵn sàng đón nhận.

“Tôi tốt nghiệp cử nhân danh dự và làm việc cho Chính phủ tiểu bang trong một thời gian. Tôi suy nghĩ và nhận thấy bản thân sẵn sàng quay lại”, ông nói thêm.

GS.TS Lữ Nhật Vinh thành danh với 2000 USD đi vay
GS.TS Lữ Nhật Vinh (hàng dưới cùng, thứ ba từ trái sang) cùng sinh viên Đại học Quốc gia Australia trải nghiệm cuộc sống tại Việt Nam.

Sau nhiều năm cống hiến cho việc giảng dạy, ông tiếp tục thử thách bản thân với vai trò quản lý. Trong tháng 6 tới, ông sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm làm Giám đốc Trường Quản lý, trực thuộc khoa Kinh doanh và Kinh tế – Đại học Quốc gia Australia.

“Mỗi trải nghiệm với tôi đều tạo nên một “cú hích” trong chặng đường phát triển bản thân, sự nghiệp”, ông nói. Dù là sinh viên ở đâu, muốn thành công đều phải năng động. Việc học ở trường đại học ở Australia đòi hỏi ông phải chủ động thời gian biểu, cách áp dụng kiến thức.

Tất cả các trường đại học Australia đều đào tạo liên ngành để sinh viên phải biết mở mang tầm mắt, hiểu biết rộng. Ở Đại học Quốc gia Australia (Australian National University), nơi ông đang công tác, hơn 60% sinh viên học trên hai ngành như kinh tế – luật, tài chính – khoa học máy tính, kế toán – nhân văn…

“Khi học được nhiều chuyên ngành, mình có hiểu biết rộng, khi ra trường có thể nói chuyện với người khác, xây dựng mối quan hệ và có nhiều sự lựa chọn cho con đường sự nghiệp”, GS.TS Lữ Nhật Vinh khẳng định

Bên cạnh đó, trường học luôn tạo điều kiện để các bạn sinh viên có kinh nghiệm làm việc, tình nguyện. Đội ngũ nhân viên liên kết với nhà tuyển dụng từ các công ty, Cơ quan chính phủ Australia và của chính quyền vùng thủ đô, cựu sinh viên sẽ có cơ hội thực tập, gặp gỡ chuyên gia tư vấn hoặc đi nước ngoài để người học có trải nghiệm quốc tế.

“Vì vậy, hãy sống hết mình trong 3-6 năm học đại học. Sau khi tốt nghiệp, ai cũng nói khoảng thời gian đó rất tuyệt vời nhưng mỗi người có định nghĩa hạnh phúc khác nhau. Các bạn phải tận dụng thời gian này hiệu quả nhất, nắm bắt mọi cơ hội”, ông Lữ Nhật Vinh khuyên các bạn trẻ.

Ngoài ra, GS.TS Lữ Nhật Vinh khuyên các bạn trẻ có ý định du học có thể tìm hiểu thông tin từ những người đi trước. Mối quan hệ, tình người rất quan trọng, đặc biệt là trong quá trình sống nơi xứ người. Thứ hai, học sinh Việt nên cố gắng săn học bổng. Thị trường Việt Nam rất hấp dẫn với các trường đại học trên toàn thế giới. Riêng Đại học Quốc gia Australia, năm nay có 10 học bổng Chancellor International Scholarship, giảm 50% học phí cho sinh viên Việt Nam.

Cuối cùng, bên cạnh việc học, du học sinh cũng cần chuẩn bị cho tương lai bằng cách đi làm thêm, tình nguyện, thực tập, tham gia hội nhóm trong ngoài trường, chương trình liên kết quốc tế… để có thêm nhiều trải nghiệm.

Nguồn: vnexpress.net

Cùng chủ đề