Du học sinh Harry Hoàng khởi nghiệp ngành kế toán
Từ một du học sinh ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp táo bạo, Harry Hoàng, nhà sáng lập và CEO của Tailored Accounts, Úc giờ đây đã trở thành một doanh nhân thành công trong ngành kế toán có vị thế tại đất nước ở Nam Bán Cầu này. Chàng trai mang trong mình dòng máu Việt ấy có một nghị lực phấn đấu hết sức đáng nể.
Bước tiến đáng kinh ngạc trong ngành kế toán
Thông qua chương trình du học liên kết giữa Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và Đại học Quốc gia Australia, Harry Hoàng bắt đầu hành trình du học tại thủ đô Canberra vào năm 2005. Ông chia sẻ lúc học đại học ở Việt Nam, ông cũng theo đuổi ước mơ du học vì đam mê kinh doanh đã có từ rất lâu. Nhưng do điều kiện ngoại ngữ, đến năm cuối cùng trong chương trình 2+2, Harry Hoàng mới sang đến Úc và hoàn tất những học phần còn lại.
Cảm thấy trải nghiệm một năm hơi ít, ông quyết định ở lại và đăng ký học thêm ngành Kế toán. Vì chi phí tự túc, Harry Hoàng phải nỗ lực rất nhiều để trang trải tiền học, tiền sinh hoạt. Dù có một ngày được rảnh rỗi, ông cũng không cho phép mình “ở không”, mà siêng năng làm từ rửa chén tại nhà hàng, chạy bàn phục vụ, làm nông trại cho đến đi làm nhà máy in buổi đêm. Những công việc làm thêm thậm chí còn “đeo đuổi” ông cho đến ngày…khởi nghiệp. Nguồn vốn còn hạn hẹp, ông làm part-time tại Viện Khảo sát định lượng Quốc gia Australia (Australian Institute of Quantity Surveyors – AIQS) 3-4 ngày một tuần để lấy tiền nuôi startup. Trong bốn năm sau đó, ông vẫn duy trì công việc này mặc cho thời gian dần hạn chế.
Năm 2007, Harry Hoàng làm kế toán tại Viện Quản lý Ngân sách Công trình xây dựng Australia. Quá trình làm việc tại đây khiến ông nhận ra tiềm năng phát triển của dịch vụ cho thuê ngoài (outsource) trong lĩnh vực kế toán. Ông cho biết tại Úc có đến 95% doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng giá thuê nhân viên phụ trách kế toán thì rất tốn chi phí. Đa phần các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ tự làm nhưng qua nhiều năm, điều luật mỗi lúc mỗi khác nên dần dần họ không đủ chuyên môn để xử lý hết. Thế là vào đầu năm 2009, ông thành lập công ty Tailored Accounts, chuyên ứng dụng dịch vụ cho thuê ngoài để quản lý tài chính và giữ sổ sách (bookkeeping) cho các doanh nghiệp tại Úc.
“Tôi chưa từng nghĩ sẽ khởi nghiệp ở Úc”, Harry Hoàng chia sẻ. “Dù vậy, tôi nhận thấy dịch vụ cho thuê ngoài rất phổ biến vì mức độ chuyên môn hóa rất cao. Bản thân doanh nghiệp hay Chính phủ cũng thế thôi, bởi vì họ biết là không thể làm tốt việc này bằng người khác làm cho họ”.
Không có chỗ cho thất bại
Khởi nghiệp ai cũng có thể bắt đầu, nhưng theo các chuyên gia, để “nuôi” được startup sống sót và đứng vững trên thương trường, tỉ lệ này không quá 1%. Để gặt hái được những thành quả bước đầu ngày hôm nay, Harry Hoàng cũng đã phải đối mặt với những ngã rẽ sống còn, ở đó ranh giới giữa được và mất chỉ là một cái gật hay lắc đầu.
Ông kể, khi mới thành lập doanh nghiệp, do chưa có nhiều mối quan hệ, việc tìm khách hàng rất khó. Trong khi đó, ngành kế toán là một trong ba ngành nghề được tin tưởng nhất ở Úc. Vì vậy, để tạo uy tín và thuyết phục người ta chú ý đến thương hiệu của mình, Harry Hoàng nắm bắt mọi cơ hội để học hỏi, thể hiện kỹ năng làm việc và sự chăm chỉ để khách hàng hài lòng từ phút đầu tiên.
“Trong công việc của ngành kế toán cần sử dụng các phần mềm, nên kỹ năng máy tính phải rất tốt mới có thể quản lý được. Thời đấy công nghệ còn xử lý rất phức tạp, nên tôi đã tự tìm kiếm các phương pháp nhanh và hiệu quả nhất để khi khách hàng vào xem hệ thống sẽ chú ý ngay. Khi một doanh nghiệp làm việc nhanh, có kỹ năng và thể hiện thật tốt, người ta cũng coi trọng rồi dần dần thời gian sau họ tin tưởng mình hơn”, ông nhấn mạnh và tự hào chia sẻ có giai đoạn ông hoàn toàn không xài quảng cáo vì 90% khách lần đầu tìm đến ông là do người quen giới thiệu.
Khi bắt tay vào làm việc với phần mềm, ông lại thích thiết kế website. Là người muốn thử nhiều cơ hội, Harry Hoàng đã tự mày mò trên Youtube, sau đó thì lập luôn công ty cho lĩnh vực này. Lúc đấy, ông vừa làm kế toán full-time, vừa startup xây dựng website cho người ta. Nhưng về sau ông lại thấy nó chính là trở ngại của mình. “Vào thời điểm nhất định, việc rẽ hướng như vậy khiến tôi xa rời mục đích khởi nghiệp ban đầu. Nếu tiếp tục thì cả hai công việc thuộc ngành kế toán và IT đều không thể chuyên sâu, không tập trung phát triển thêm nữa và dễ bị thất bại. Sau khi suy nghĩ thì tôi đóng cửa doanh nghiệp làm website, để tập trung vào công việc mình đam mê nhất”, ông quả quyết.
Mở rộng thế giới quan
Về chuyện tiếp xúc và làm quen với xã hội của du học sinh, ông nhận định sự khác biệt nằm ở thế hệ. Ông cho rằng ở thế hệ trẻ, mọi thứ khá thoải mái và trọn vẹn hơn, nhưng điều đó phần nào khiến các bạn trở nên rụt rè trên những bước đi của mình. Không như thế hệ trước – rất ít khi suy nghĩ hay lo sợ quá nhiều, họ chỉ đơn giản cố gắng hết sức, thử và sai, tất cả vì đam mê. Harry Hoàng nhớ lại: “Đối với việc dám ra ngoài và bươn chải thì những kinh nghiệm và bài học có được là rất quan trọng, như tôi là những kỷ niệm qua công việc làm nông trại của người Úc. Nhờ đó, tôi được biết phong cách làm việc chuyên nghiệp của dân bản xứ; cả cành cây, ngọn cỏ người ta cũng đối xử với nó rất tử tế, chỉn chu đâu ra đấy. Vậy nên việc mình tiếp xúc với thế giới bên ngoài, đó là một cơ hội rất tốt để mình có thể học hỏi thêm nhiều điều”.
Ông nhận thấy rằng các bạn trẻ du học thời nay cũng chọn đi làm thêm. Nhưng đa phần đi làm thêm ở trong trường hoặc làm các quán cà phê thế thôi, các bạn không đi ra ngoài ở các thành phố để tìm hiểu. Do đó, ông Harry Hoàng cho rằng các bạn nên cân nhắc việc bước chân xa hơn, táo bạo hơn để mở rộng thế giới quan của mình hơn nữa.